Hiện nay, hầu hết trẻ em đều được tiếp xúc sớm với điện thoại, máy tính bảng. Mặc dù sử dụng công nghệ từ nhỏ giúp các em thành thạo cũng như học được nhiều kiến thức bổ ích. Tuy nhiên, nếu phụ huynh không biết cách kiểm soát những thông tin mà trẻ tiếp cận từ trên mạng, điều này dễ khiến cho trẻ cho những nhận thức sai lệch. Vì thế, trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ đưa ra 5 vấn đề mà phụ huynh cần quan tâm trước khi cho con cài ứng dụng vào điện thoại.
1. Ứng dụng được kết nối với ai?
Hầu hết các ứng dụng được thiết kế nhằm hướng tới một đối tượng nhất định. Và để tăng tính hiệu quả, một số ứng dụng còn là nơi kết nối giữa các người chơi với nhau. Vì thế, hãy cân nhắc xem con của bạn đã biết họ trực tiếp chưa hay ẩn danh? Diễn ra 1:1 hay theo hình thức đội nhóm. Tương tác với nhau là một cách để giúp trẻ có thêm nhiều bạn mới, nhưng cũng là nơi dễ xảy ra những hành vi bắt nạt, đe dọa.
Hãy tìm hiểu kỹ càng các ứng dụng trước khi cài đặt, xem cách thức hoạt động của nó có phù hợp với lứa tuổi của trẻ hay không. Nếu ứng dụng đó an toàn, bạn có thể cài đặt nhưng phải đảm bảo những thông tin cá nhân của trẻ phải được giữ bí mật. Đây là một cách để bảo vệ tâm hồn trẻ trước những tác động tiêu cực của công nghệ.
2. Nội dung mà ứng dụng muốn truyền tải
Hãy xem xét kỹ nội dung mà ứng dụng muốn truyền tải cho trẻ là gì. Đó là những giá trị mang ý nghĩa tích cực hay những chiêu trò rẻ tiền có thể dẫn đến thói quen không lành mạnh? Hầu hết các ứng dụng khi được tạo ra đều mang giá trị của nó, chỉ là nó có phù hợp với lứa tuổi và nhận thức của trẻ hay không. Nếu không phù hợp, sẽ dễ dẫn đến những suy nghĩ sai lệch.
Vì thế, nên tùy thuộc vào lứa tuổi và mong muốn của trẻ để lựa chọn ứng dụng phù hợp. Chẳng hạn như Pokemon Go yêu cầu toán học cơ bản và giới thiệu các địa danh gần đó, ABC Kids lại tập trung vào việc giúp trẻ nhận biết và viết chữ cái, còn Astronomy for Kids giúp trẻ khám phá hệ mặt trời và vũ trụ rộng lớn bao la,…
3. Ứng dụng có phù hợp với trẻ không?
Hãy tự đặt câu hỏi: Với những gì con tôi đang có, liệu ứng dụng có thực sự phù hợp với chúng hay không? Điều này cần phụ thuộc vào giới tính, lứa tuổi, khả năng nhận thức, sở thích cá nhân để lựa chọn. Một số ứng dụng sau khi trải nghiệm mới biết được có phù hợp hay không. Vì thế, phụ huynh có thể chơi cùng trẻ thời gian đầu, nếu thấy không phù hợp thì có thể dừng lại và bắt đầu với những ứng dụng mới. Trải nghiệm trước đây với các ứng dụng tương tự cũng là một cách để lựa chọn các ứng dụng sau. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể đề xuất những ứng dụng phù hợp với con mình để giúp trẻ khám phá các chủ đề mới mà chúng không tự tìm thấy được.
4. Thông tin của trẻ có được bảo mật không?
Nhiều ứng dụng yêu cầu cung cấp giới tính, lứa tuổi của trẻ để xác minh người dùng có đủ tuổi sử dụng hay chưa. Tuy nhiên, với những trường hợp phải cung cấp quá nhiều thông tin như địa chỉ nhà, số thành viên trong gia đình, số điện thoại,…hãy cẩn trọng trước khi điền những thông tin này. Có ít rủi ro khi cung cấp dữ liệu ẩn danh, vì chúng thường được sử dụng để giúp các nhà phát triển cải thiện ứng dụng. Tuy nhiên, đây cũng là một cách để các quảng cáo nhắm đến nhằm thu hút tính tò mò của trẻ.
5. Ứng dụng có bị mất phí không?
Một số ứng dụng được quảng cáo là miễn phí, đó là khi mới tải về. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, bạn buộc phải trả phí để mở các tính năng cao cấp hơn. Điều này không phải là vấn đề lớn nếu bạn được biết ngay từ đầu và cho rằng nó xứng đáng. Những ứng dụng liên tục đòi thêm tiền có thể không phù hợp với trẻ, các em sẽ không ý thức được đây là một hình thức kinh doanh đang lợi dụng các em.
Phụ huynh nên cẩn trọng với những gì trẻ học được từ trên điện thoại, vì thông tin tiêu cực rất dễ ảnh hưởng đến suy nghĩ non nớt của trẻ và dễ dẫn đến những hành động sai lệch. Hãy bảo vệ con mình trước tác động tiêu cực của công nghệ trong thế giới hiện đại. Khi trẻ đã đủ lớn và đủ nhận thức, lúc này bạn mới để trẻ tự quyết định hành động và tương lai của mình.